Cách Xông Mũi Chữa Covid Bằng gừng, Tỏi,Xả… Và Lưu Ý

Nhiều F0 xông mũi bằng gừng và tỏi hoặc sả để chống nhiễm trùng, giảm triệu chứng sổ mũi, khô họng… Cách này có hiệu quả, thưa bác sĩ? (Linh).

Cách thức là cho vào nồi 3-5 cây sả và nhánh gừng, hoặc sả kết hợp với vài tép tỏi, đun sôi, lấy khăn trùm lên qua đầu, đưa mặt vào gần nồi để xông mũi. Thời gian thực hiện khoảng 10-15 phút, mỗi ngày một lần. Gừng có tác dụng giữ ấm cơ thể, còn sả, tỏi tác dụng chống nhiễm trùng, có thể làm giảm các triệu chứng sổ mũi, khô họng… giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Mong bác sĩ tư vấn về cách thức này.

Trả lời:

Sử dụng các thực phẩm như gừng, sả, tỏi… đun sôi để xông mũi là cách hiệu quả để giảm các triệu chứng, song cần thực hiện đúng cách. Lưu ý, xông hơi là chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì vậy chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm…, không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh.

Theo Đông y, gừng tươi là vị thuốc, còn gọi sinh khương, vị cay, tính ấm, tác dụng giải biểu, tán hàn, ôn trung, hành thủy, tiêu đàm, giải độc. Chính vì thế, gừng có thể dùng để thông khí tỉnh thần, thông mũi họng.

Sả còn gọi là cỏ sả, sả chanh, lá sả, hương mao, vị cay, thơm, tính ấm, tác dụng phát hãn (ra mồ hôi), chống viêm, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn, thông tiểu.

Tỏi có vị cay tính ôn ấm, quy về kinh tỳ, phế, vị, tác dụng ôn trung tiêu thực, ôn ấm tỳ vị, tiêu tích giải độc, sát trùng. Tỏi được coi như chất kháng sinh và kháng khuẩn, tiêu diệt vi trùng. Trong tỏi có glucosid lưu huỳnh, một chất dầu bay hơi hỗn hợp của sunlfua và oxyt allyl gần như nguyên chất, lưu huỳnh, hai hoạt chất kháng khuẩn là alixin và garlixin. Alixin có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram (+) và gram (-) (vi khuẩn đường ruột) và chống nấm gây bệnh. Các chế phẩm từ tỏi gồm tương tỏi, rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông… có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

F0 có thể xông hỗn hợp gừng, tỏi, sả để giảm triệu chứng, trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Hỗn hợp sau khi đun sôi, bạn chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặ, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.

Xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi, tạo cảm giác thư giãn thoải mái. Thời gian mỗi lần xông khoảng 20 phút. Sau khi xông xong lau khô, giữ ấm và tránh gió.

Lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.

Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng; nên xông hơi một mình, tần suất tốt nhất là một ngày một lần. Bên cạnh đó, tuân thủ những phương pháp phòng ngừa Covid-19.

Nguồn: vnexpress.net

Sai lầm cần tránh khi xông hơi điều trị Covid

Không phải F0 nào cũng dùng được liệu pháp này và cách xông hơi trùm kín toàn thân để xông người tưởng như rất hữu dụng lại không được phép sử dụng cho F0.

Trong đợt bùng phát dịch Covid19 vừa qua, nhiều trường hợp F0 thể nhẹ đã được điều trị bằng phương pháp xông hơi. Đây là cách chữa bệnh quen thuộc của người Việt Nam, xông hơi giải cảm, đặc biệt là khi bị cảm lạnh.

Đây là liệu pháp dùng nhiệt kết hợp tinh chất dược liệu làm tăng tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông, sẽ giúp hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau… Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc Covid nào cũng có thể dùng liệu pháp này. Thậm chí, có những sai lầm cần phải tránh khi xông hơi điều trị COVID-19.

Những cây cỏ quen thuộc có tính kháng khuẩn kết hợp lại trong nồi nước xông để giải cảm vốn rất quen thuộc. Tuy nhiên, cách xông hơi thường thấy là trùm kín toàn thân để xông người tưởng như rất hữu dụng lại không được phép sử dụng cho F0.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh phân tích: “Trong các nghiên cứu của chúng tôi, khi virus xâm nhập vào cơ thể thì không lập tức bị bệnh và sau thời gian ủ bệnh mới phát bệnh và đa phần khi đấy bệnh nhân đã suy nhược, người ta bắt đầu vã mồ hôi. Như vậy, nếu xông hơi theo kiểu giải cảm thông thường, người bệnh sẽ mất nước rất nhiều nên càng suy nhược”.

Việc xông hơi điều trị COVID-19 được khuyến cáo theo 2 cách sau:

Phương pháp 1: Xông phòng: Để nồi nước xông toàn bộ không gian của phòng để vẫn hít được hương tinh dầu những không quá nóng để không đổ mồ hôi.

Phương pháp 2: Xông mũi họng, chỉ lấy cái khăn chụp trên vùng mặt. Xông 10 phút thì nghỉ 5 phút và xông tiếp 10 phút, mỗi ngày từ 1 – 2 lần.

Thêm lưu ý nữa là xông hơi sử dụng nhiệt độ rất cao, vì vậy, trẻ em và những người không lớn tuổi hay người không tự chủ được vận động sẽ không sử dụng liệu pháp này do nguy cơ bị bỏng.

Nguồn: Vtv.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *